04 bước đơn giản chuẩn bị một tủ thuốc cho gia đình bạn

Như bạn đã biết, tủ thuốc gia đình (hay tủ y tế) là nơi lưu trữ dược phẩm, công cụ y tế cơ bản, có vai trò như cứu tinh trong những trường hợp khẩn cấp. Bạn có thể dễ dàng tìm mua và trang bị một tủ thuốc phù hợp với nhu cầu cất trữ dược liệu của gia đình bạn, với nhiều kích thước, mẫu mã, màu sắc...

Tuy nhiên, để chuẩn bị và sử dụng tủ thuốc gia đình như thế nào cho đúng cách, thì không phải ai cũng biết. Hôm nay, LongHome sẽ hướng dẫn 04 bước đơn giản chuẩn bị một tủ thuốc cho gia đình bạn, mời bạn tham khảo nội dung chi tiết bên dưới:

Bước 1: Chuẩn bị danh mục các loại thuốc thiết yếu và dụng cụ y tế cần thiết để trang bị cho tủ thuốc mới.

Bạn nên tham khảo bác sĩ về các loại thuốc, dụng cụ có thể tự trang bị và lưu trữ, cũng như công dụng và liều dùng của mỗi loại. Không nên tự ý mua bất cứ danh mục nào, mà bạn chưa hiểu rõ về chúng.

Bước 2: Ghi chú danh mục, đánh dấu riêng từng loại thuốc và dụng cụ y tế. Phân loại liều dùng và công dụng của từng loại danh mục.

Trên cánh cửa tủ thuốc nên ghi rõ danh mục các loại thuốc và đồ dùng y tế có trong tủ vào một tờ giấy A4 để dễ kiểm soát. Dán kỹ càng danh mục với băng dính lên trên cánh cửa tủ để tránh bong tróc.

Trong tủ thuốc nên để sổ y bạ hoặc sổ để ghi chép theo dõi sức khoẻ của trẻ và các thành viên khác trong gia đình.

Trong đó nên ghi tóm tắt về những lần trẻ ốm, thuốc trẻ đã dùng, các kỳ tiêm vắc xin đã thực hiện và những kỳ hẹn tiếp theo… Nếu có nhiều trẻ hoặc nhiều người thì nên dùng mỗi người một quyển riêng. 

Nếu trong gia đình có thành viên nào bị bệnh mãn tính phải dùng thuốc đặc biệt như thuốc trợ tim, thuốc hạ huyết áp, các loại độc dược như thuốc ngủ, thuốc giảm đau đặc biệt thì cần gói gọn và cất ở chỗ đặc biệt.

Bước 3: Thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng và thay thế các loại thuốc, dụng cụ y tế đã cũ. Bổ sung các số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện hoặc bác sĩ riêng.

Phân loại dược liệu và dụng cụ y tế một cách khoa học để tránh nhầm lẫn. Nếu thuốc có bao bì thì nên giữ trong bao bì kể cả bảng hướng dẫn sử dụng trên mỗi gói thuốc. Nếu là thuốc viên rời thì phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc, chữa bệnh gì, liều dùng tối thiểu, tối đa… để tất cả thành viên trong gia đình có thể sử dụng dễ dàng. Không bao giờ được chủ quan lấy thuốc trong bóng tối vì rất có thể bị nhầm lẫn.

Đối với thuốc dùng để uống thì nên sắp đặt riêng thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không nên để lẫn lộn. 

Khi uống thuốc cần chú ý đến hạn sử dụng. Thỉnh thoảng nên dọn tủ y tế để bỏ những thuốc đã quá hạn đi và thay thuốc mới vào.

Cạnh tủ nên ghi các địa chỉ liên lạc cần thiết như: Bác sĩ, bệnh viện nhi gần nhất, cảnh sát, cấp cứu, hoặc tên và điện thoại của một vài người có thể giúp đỡ được ngay khi cần.

Bước 4: Đặt tủ thuốc ở nơi dễ thấy, dễ lấy có thể treo lên tường nơi khô ráo, thoáng mát, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Đặc biệt nên đặt tủ thuốc xa tầm tay trẻ em.

Phần lớn các trường hợp ngộ độc thuốc xảy ra là do bất cẩn trong tồn trữ, sử dụng thuốc tại gia đình. Những sự cố này có thể tránh được nếu cất giữ thuốc tốt, không để trẻ con lấy được và khiến người lớn nhầm lẫn.

Vì vậy cần đặt tủ ở vị trí như thế nào để trẻ không tìm cách với tới được hoặc nếu trẻ có khả năng với tới thì tủ phải có khóa với chìa khóa được cất ở nơi chỉ riêng những người lớn trong gia đình biết.Việc này rất quan trọng vì trẻ em thường tò mò, có thể tìm và nếm thử thuốc gây ngộ độc rất nguy hiểm.

Với trẻ lớn từ 4 tuổi trở lên thì ngoài việc để xa tầm tay cần giải thích cho trẻ hiểu tác hại của việc dùng thuốc vì trẻ ở tuổi này bắt đầu có thể tự tìm chìa khoá hoặc bắc ghế trèo lên tủ để lấy thuốc xem.

Tủ thuốc y tế gia đình Thái Sơn tự hào là Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao do người tiêu dùng bình chọn. Xem sản phẩm tại đây.

Theo Chanthaison.com


Bài viết mới